• Cổng số 1: 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội
Từ 25/05/2016 Nhà Khách Chính Phủ 37 Hùng Vương đổi tên thành: Trung tâm Hội Nghị 37 Hùng Vương.
Fax: 080.47820

Tin tức

Văn Miếu Quốc Tử Giám

13/07/2020 | 2942 view

Là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của nước ta, Văn Miếu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi được rất nhiều sĩ tử, học trò tới đây để cầu may mắn trong thi cử, học hành. Sau đây Trung tâm sẽ giới thiệu cũng như chia sẻ những kinh nghiệm đi Văn Miếu – Quốc Tử Giám đầy đủ nhất để các bạn tham khảo cũng như thuận tiện tham quan di tích nổi tiếng này ở Hà Nội nhé.

 

 

Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu?
Địa chỉ: 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
Văn Miếu nằm ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội, ngay giữa 4 phố chính gồm Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám cách Trung Tâm Hội Nghị 37 Hùng Vương khoảng 0,5 km. Du lịch đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến thì đây chắc chắn là địa điểm mà bạn nên ghé thăm.


Nếu xuất phát từ Trung Tâm, các bạn đi theo đường Hùng Vương hướng về Trần Phú, rẽ trái vào đường Nguyễn Thái Học, rồi đi thẳng 300m là đến Văn Miếu. Vì đường Hà Nội có rất nhiều đường một chiều, đặc biệt là xung quanh khu Văn Miếu nên các bạn nhớ để ý để tránh phạm luật giao thông nhé.

Nếu đi bằng xe bus, các bạn đi những tuyến sau sẽ có những điểm dừng ngay gần khu vực này: 02, 23, 38, 25, 41.

Giá vé vào cửa
Hiện nay, khách du lịch và người dân vào tham quan Văn Miếu phải mua vé vào cổng. Giá vé dành cho người lớn là 20.000đ và vé trẻ em là 10.000đ. Đây là mức giá khá rẻ và áp dụng chung cho cả khách Việt Nam lẫn khách nước ngoài.

Lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc.

Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Tới thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập Huế. Văn miếu Thăng Long được sửa sang lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội.

Kiến trúc
Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học.

Đại Trung Môn

Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc, tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.

Khuê Văn Các và giếng Thiên Quang ở Văn Miếu

Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh. Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ Mã”, xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa. Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau.

Văn Miếu môn


Các khu tham quan ở Văn Miếu Quốc Tử Giám
Cổng chính Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa. Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch. Bên trong cũng có những bức tường ngăn ra làm 5 khu, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng qua lại nhau.

Sơ đồ tham quan di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khu thứ nhất
Bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.

Khu thứ hai
Từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn các. Khuê Văn các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông (85cm x 85cm) bên dưới đỡ tầng gác phía trên, có những kết cấu gỗ rất đẹp.

 

Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử Giám

Tầng trên có 4 cửa hình tròn, hàng lan can con tiện và con sơn đỡ mái bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Mái ngói chồng hai lớp tạo thành công trình 8 mái, gờ mái và mặt mái phẳng.

Gác là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng. Hai bên phải trái Khuê Văn các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào hai khu nhà bia Tiến sĩ.

Khuê Văn các ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Khu thứ ba
Khu nhà bia tiến sĩ

Gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Hai bên hồ là khu nhà bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng rùa đá. Hiện còn 82 tấm bia của các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Đó là những di vật quý nhất của khu di tích.

Khu thứ tư
Là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Tòa nhà ngoài là Bái đường, Tòa trong là Thượng cung. Đây là khu vực thờ Khổng Tử và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử).

 

Khu thứ năm
Đây là khu nhà Thái Học. Thời Nguyễn trường Quốc Tử Giám ở Hà Nội bị bãi bỏ, nhà thái học bị đổi làm nhà Khải thánh, thờ thân phụ, thân mẫu của Khổng Tử. Tuy nhiên khu nhà này đã bị phá hủy trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Khu nhà Thái Học mới được thành phố Hà Nội xây dựng lại năm 1999. Trong khu thứ năm này còn có nhà Tiền đường – Hậu Đường, là nơi thờ các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.

 

Ý nghĩa của Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn như một ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Đến nơi đây bạn dường như được tiếp thêm động lực từ những bảng vàng rực rỡ của ông cha, nạp vào nguồn năng lượng tràn đầy để vững tin trong hành trình nỗ lực học tập và khám phá tri thức nhân loại.

Ý nghĩa của Văn Miếu

Bên cạnh đó, ngày nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc và là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân thủ đô trong những ngày tết truyền thống với ước mong năm mới an lành; hoặc trong những mùa thi quan trọng của đất nước với niềm tin đỗ đạt của các “sĩ tử”.

Lưu ý khi tham quan
Tôn trọng di tích, chấp hành quy định của đơn vị quản lý di tích. Không xâm hại đến các hiện vật, cảnh quan di tích. Không xoa đầu rùa, viết, vẽ, đứng, ngồi lên bia Tiến sĩ…
Trang phục khi tới Văn Miếu nên sạch sẽ, gọn gàng. Không nên mặc váy hoặc quần quá ngắn, trang phục hở hang hay trang phục trong nhà. Không hút thuốc, đội nón, đội mũ trong khu vực Điện thờ, nhà trưng bày…
Thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự: Không có hành vi thiếu văn hóa, nói tục, gây mất trật tự an ninh; Có thái độ đúng mực khi hành lễ, mỗi người chỉ thắp một nén hương; Dâng lễ, thắp hương đúng nơi quy định.

Nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo…
Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường: Không trèo tường, trèo cây, bẻ cành, hái hoa, giẫm lên thảm cỏ, câu cá, bơi lội, vứt rác bừa bãi.
Không mang vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy vào khu di tích.
Để xe đúng nơi quy định, tự quản lý tư trang để tránh xảy ra mất mát.
Các hoạt động quay phim tại Văn Miếu Quốc Tử Giám chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của lãnh đạo khu di tích.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian cùng các biến cố lịch sử, một số kiến trúc ở đây đã bị phá hủy thế nhưng Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn được xem là biểu tượng của tinh hoa giáo dục, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hi vọng với những chia sẻ của Vntrip.vn trên đây đã giúp các bạn có thêm kiến thức về di tích lịch sử – văn hóa đầy ý nghĩa này của thủ đô.

Tin tức khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng

27/03/2024 | 4 view


(Chinhphu.vn) - Chiều 26/3, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng chủ trì phiên họp thứ hai của Tiểu ban.